Thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng cà na Thái
Thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng cà na Thái
ĐTO - Ông Phan Văn Năm (SN 1948) ngụ ấp Hòa Bình, xã Long Thắng, huyện Lai Vung là một trong những gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã, huyện (thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ trồng cà na Thái). Ngoài làm kinh tế giỏi, ông Năm còn tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội ở địa phương.
Theo ông Năm, vợ chồng ông sống chủ yếu bằng nghề canh tác hoa màu như: mướp, bầu, dưa leo,... trên 4 công đất nhà. Kinh tế gia đình chỉ đủ sống, không có dư. Đến năm 2016, tình cờ được một người bạn giới thiệu về hiệu quả kinh tế của mô hình trồng cà na Thái, với niềm đam mê tìm tòi học tập, ý chí vươn lên phát triển kinh tế gia đình, ông Năm mạnh dạn chuyển từ trồng hoa màu sang trồng cà na Thái trên 4 công đất nhà. Ban đầu, ông mua 300 cây cà na Thái về trồng thử nghiệm, ông Năm tâm sự: “Lúc đầu, vợ tôi cũng ngăn cản, vì sợ cây này không có giá trị kinh tế, trồng sẽ bị thất bại. Nhưng sau đó vợ tôi cũng ủng hộ vì thấy tôi quyết tâm muốn phát triển kinh tế gia đình từ loại cây này”.
Mới bắt đầu trồng chưa có thu nhập, để có tiền trang trải cuộc sống gia đình, ông Năm trồng xen canh các loại rau ngắn ngày. Ông cũng mài mò, nghiên cứu cách trồng, chăm sóc cà na Thái. Sau 1 năm, cà na phát triển tốt cho nhiều nhánh nên ông nảy ra ý tưởng chiết nhánh để bán. Nhánh cà na bầu khoảng 2 tháng là có thể cắt bán. Lúc đầu, ông Năm bán vài chục nhánh, rồi lên vài trăm nhánh và cả ngàn nhánh. Cứ 2 - 3 tháng, ông bán nhánh một lần, giá từ 14 - 16 ngàn đồng/nhánh, giúp ông thu nhập khoảng 30 triệu đồng.
Khi cà na Thái được 1 năm rưỡi, ông thu hoạch lứa trái đầu tiên khoảng 100kg, được thương lái đến tận vườn thu mua với giá 50 ngàn đồng/kg. Từ đó đến nay, cứ hơn nửa tháng là ông Năm thu hoạch cà na một lần, mỗi lần vài trăm ký, bán giá dao động từ 15 – 50 ngàn đồng/kg, tùy vào thời điểm. Ông Năm chia sẻ: “Cà na Thái rất dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, phân thuốc khá nhẹ mà hiệu quả kinh tế lại cao. 4 công cà na của tôi mỗi năm chỉ tốn hơn 10 triệu đồng tiền phân, thuốc. Ngoài bán trái, tôi còn thường xuyên chiết nhánh để bán, mỗi năm bán khoảng vài ngàn nhánh”.
Qua gần 5 năm gắn bó với cây cà na Thái, đến nay, vườn của ông Năm có trên 400 cây cà na Thái, mỗi năm thu nhập gần 200 triệu đồng, giúp kinh tế gia đình ông phát triển, vươn lên khá giả. Ngoài trồng cà na Thái, với niềm đam mê sửa kiểng bonsai, ông Năm còn trồng 200 gốc mai vàng, có tuổi thọ từ 10 - 15 năm tuổi, dịp Tết Nguyên đán sắp tới, ông sẽ bán. Theo ông Năm, những gốc mai đẹp có giá bán hàng chục triệu đồng, hứa hẹn sẽ mang đến lợi nhuận kinh tế cao cho gia đình.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Năm còn chia sẻ kinh nghiệm trồng, cung cấp cây giống cà na Thái cho các nông dân khác cùng làm theo, giúp nhiều nông dân ở xã vươn lên ổn định kinh tế gia đình từ nghề trồng cà na Thái. Như ông Phan Thanh Hùng (SN 1952) ngụ ấp Hòa Bình, xã Long Thắng trước đây cũng trồng 2 công hoa màu. Khi thấy ông Năm trồng cà na hiệu quả, ông đã mua cây giống và được ông Năm hướng dẫn cách trồng. Sau 2 năm, ông Hùng có thu nhập gần 100 triệu đồng/năm từ việc bán nhánh và trái cà na Thái, giúp ông cải thiện kinh tế gia đình. Với hiệu quả kinh tế bước đầu mang lại, năm 2019, xã Long Thắng đã thành lập Tổ hợp tác trồng cà na Thái, với trên 20 hội viên, do ông Năm làm Tổ trưởng.
Bà Đặng Kim Xuyến - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Thắng cho biết: “Ông Phan Văn Năm là một trong những hội viên năng nổ trong phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” của xã. Là một tấm gương điển hình về ý chí, nghị lực vươn lên làm giàu trong cuộc sống cho nông dân trong xã học tập. Mô hình trồng cà na của ông Năm được địa phương đánh giá cao và được nhân rộng để các hội viên trong xã học tập”.
Bên cạnh việc làm kinh tế giỏi, nhiều năm qua, ông Năm còn thường xuyên tham gia công tác an sinh xã hội ở địa phương. Ông Năm đã cùng với các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội địa phương đi vận động tiền xây dựng gần 60 cây cầu bê tông, cất 5 căn nhà tình thương, sửa chữa hàng trăm km đường nông thôn; hỗ trợ quà, trợ cấp khó khăn cho những người nghèo, bệnh tật trong xã,...
Với những nỗ lực phát triển kinh tế của bản thân và tích cực đóng góp cho công tác an sinh xã hội ở địa phương, ông Năm được UBND tỉnh, huyện và xã tặng Bằng khen, Giấy khen. Đặc biệt, cuối năm 2019 ông còn được Hội Nông dân huyện tuyên dương, tặng Giấy khen với thành tích “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp huyện.